Bảo dưỡng điều hòa ô tô và những điều tối thiểu bạn cần biết

Điều hòa trên ô tô là một tiện nghi không thể thiếu với tất cả các xe hiện nay. Song song với việc sử dụng, bảo dưỡng điều hòa ô tô cũng là khía cạnh người dùng cần quan tâm và thực hiện định kỳ đều đặn.

Hệ thống điều hòa ô tô

Hệ thống điều hoà ô tô có nhiệm vụ điều hòa, làm mát và giảm độ ẩm trong khoang động cơ, từ đó kéo dài thời gian sử dụng cho các động cơ khi hoạt động. 

Bảo dưỡng điều hòa ô tô và những điều tối thiểu bạn cần biết Cấu tạo điều hòa ô tô

Hệ thống điều hòa cơ bản gồm 4 bộ phận:

Máy nén (lốc lạnh)

Máy nén được dẫn động nhờ dây đai với động cơ và ly hợp từ. Khi nhấn công tắc A/C trên taplo, lập tức ly hợp từ sẽ kích hoạt kết nối để quay puly máy nén.

Dàn nóng

Dàn nóng bao gồm các ống nhỏ và cánh tản nhiệt bằng nhôm lắp ngay phía trước của két nước. Khi xe hoạt động, không khí sẽ đi qua dàn nóng để làm mát. Dàn nóng sẽ chuyển đổi môi chất lạnh từ dạng hơi thành môi chất lạnh có dạng lỏng ở nhiệt độ và áp suất cao.

Van tiết lưu

Van tiết lưu có 2 nhiệm vụ:

  • Một là, sau khi môi chất lạnh ở dạng lỏng với nhiệt độ và áp suất cao đi qua dàn nóng, chúng sẽ được phun qua các lỗ nhỏ trong van tiết lưu. Môi chất lạnh sau khi qua van tiết lưu sẽ có nhiệt độ thấp và áp suất thấp.
  • Hai là, tùy thuộc vào nhiệt độ trong xe, lượng môi chất lạnh được phun vào dàn lạnh sẽ được van tiết lưu sẽ điều chỉnh.

Dàn lạnh

Cấu tạo dàn lạnh gần giống với dàn nóng điều hòa ô tô nhưng nhỏ hơn. Nhiệm vụ của giàn lạnh là làm bay hơi môi chất lạnh dưới dạng hơi sương ở nhiệt độ và áp suất thấp thông qua sự hỗ trợ từ van tiết lưu. Khi đó, môi chất được giảm nhiệt độ đột ngột sẽ tỏa hơi lạnh ra môi trường.

Quạt lồng sóc điều hòa

Quạt lồng sóc sẽ đưa hơi lạnh từ dàn lạnh vào bên trong cabin xe. Tùy thiết kế và vị trí khe gió của mỗi loại xe, quạt lồng sóc sẽ được hãng xe bố trí với số lượng khác nhau.

Bộ lọc khô hệ thống điều hòa

Là một bộ hút ẩm có tác dụng loại bỏ hơi nước trong môi chất, phòng ngừa tình trạng nước bị đóng băng thành tinh thể dễ làm cho hệ thống bị phá hủy. Ngoài ra, bộ lọc khô còn giúp giữ các chất ô nhiễm trong hoạt động của môi chất và hệ thống.

Sơ đồ hệ thống điều hòa ô tô cơ bản

Bạn có thể hình dung toàn bộ hệ thống điều hòa qua sơ đồ sau đây.

Bảo dưỡng điều hòa ô tô và những điều tối thiểu bạn cần biết

Nguyên lý vận hành của hệ thống điều hòa ô tô

Điều hòa ô tô hoạt động dựa vào hai nguyên tắc cơ bản là hiện tượng thu nhiệt khi một chất lỏng bay hơi và tỏa nhiệt khi nó chuyển từ hơi sang lỏng.

Nguyên lý hoạt động gồm 3 bước như sau:

  • Trước tiên, máy nén sẽ được nối với động cơ thông qua dây curoa, sau đó hút chất làm lạnh ở thể khí (từ bình gas) rồi nén ở áp suất cao.
  • Khi bị nén, nhiệt độ chất làm lạnh tăng lên, sau đó được đẩy sang dàn nóng nằm ở vị trí phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng.
  • Ở dàn nóng, chất làm lạnh hóa thành thể lỏng do được tản nhiệt ở áp suất cao và chuyển sang van giãn nở (hoặc van tiết lưu).

Lúc nào cần bảo dưỡng hệ thống điều hòa ô tô

Hãy bảo dưỡng ô tô khi đến hạn hoặc khi chưa tới hạn bảo dưỡng định kỳ mà hệ thống có các vấn đề phát sinh, bạn nên kiểm tra và bảo dưỡng ngay lập tức.

Điều hòa của xe tỏa ra mùi hôi, khét

Điều hoà ô tô bị hôi là một trong những vấn đề phổ biến, rất thường gặp ở các dòng xe ô tô đời cũ. Nguyên nhân khiến có thể bắt nguồn từ việc:

  • Dàn lạnh và đường ống dẫn bị ẩm mốc, lọc gió bị bẩn, quạt gió bị bẩn
  • Hộp quạt gió, dàn nóng, khoang động mắc dị vật
  • Nội thất có mùi.

Mùi khét xuất hiện cho thấy hệ thống điều hoà bị vấn đề lớn hơn. Nguyên nhân thường thấy là do: quạt gió cabin hoạt động yếu do bị bẩn, lọc gió điều hoà lâu ngày bị bám bẩn; lốc nén, hộp số, hệ thống động cơ gặp trục trặc,…

Điều hòa không mát, bị yếu

Điều hoà ô tô chạy bình thường nhưng không mát  là một trong các lỗi thường gặp nhất trên hệ thống điều hoà ô tô. Nguyên nhân điều hoà ô tô không mát bắt nguồn từ: các bộ phận như dàn, dàn lạnh, phin lọc ga, lọc gió điều hòa bị bẩn, điều hoà bị rò rỉ dẫn đến thiếu ga, cảm biến nhiệt độ báo lỗi, hư hỏng tụ điện,…

Bảo dưỡng điều hòa ô tô và những điều tối thiểu bạn cần biết

Trường hợp điều hoà xe lúc mát lúc không mát thường do một số nguyên nhân:

  • Lốc điều hòa xe liên tục đóng ngắt
  • Dàn nóng, dàn lạnh, lọc gió bị bẩn gây tắc nghẽn do lâu ngày chưa được vệ sinh
  • Nguồn điện từ hệ thống cung cấp điều hoà bị trục trặc, thiếu gas lạnh hoặc gas lạnh bị rò rỉ,…

Điều hòa đóng/ngắt liên tục

Lốc điều hoà ô tô tự động đóng/ngắt dựa theo các cảm biến và công tắc như: cảm biến nhiệt độ, cảm biến ánh nắng mặt trời, công tắc áp suất,…

Công tắc áp suất là chi tiết nằm ở phía đường cao áp trong hệ thống điều hòa. Khi áp suất gas vượt quá quy định, hệ thống sẽ tự động ngắt ly hợp, cho dừng lốc lạnh. Cơ chế này giúp cho những bộ phận khác không bị ảnh hưởng.

Bị đọng nước ở cửa gió

Nhiệt độ đầu ra quá lạnh so với nhiệt độ môi trường bên ngoài gây nên tình trạng đọng nước ở cửa gió. Lỗi này thường phát sinh do lọc gió bị bẩn khiến quạt không thể hút đủ gió, quạt gió bị hỏng khiến gió thổi ra quá lớn hoặc quá nhỏ,…

Điều hòa ô tô bị đóng băng

Lúc này, băng sẽ bám kín những khe hở giữa các ống nan và lá tản nhiệt điều hòa, khiến không khí không thể lưu thông qua dàn lạnh. Nếu xử lý chậm, dàn lạnh có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Nguyên nhân hiện tượng đóng băng thường do: dàn lạnh bị bám bẩn, quạt gió điều hoà bị hỏng, gas lạnh kém chất lượng hoặc sai chủng loại, dàn nóng bị trục trặc, hệ thống cảm biến trục trặc, lọc gió bị bẩn, van tiết lưu bị hỏng,…

Điều hòa phát ra tiếng kêu

Nguyên nhân điều hòa có tiếng kêu có thể bắt nguồn lốc điều hoà hoặc các quạt gió kêu. Đa phần, khi lốc lạnh có vấn đề, thiếu dầu, dàn lạnh bị hở, quạt gió bị trục trặc, hệ thống đường dẫn bị nứt/cong vênh, lọc gió quá bẩn, có dị vật bị mắc kẹt bên trong,… các tiếng kêu sẽ xuất hiện.

Thời điểm bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa ô tô định kỳ

Đối với xe ít sử dụng, bạn nên kiểm tra hệ thống điều hòa 1 năm 1 lần và bảo dưỡng 2 năm 1 lần

Đối với xe sử dụng thường xuyên, nên kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần và bảo dưỡng 1 năm 1 lần.

Quy trình chuẩn trong bảo dưỡng điều hòa ô tô

Quy trình bảo dưỡng hệ thống điều hòa ô tô cơ bản bao gồm 10 mục sau:

  • Kiểm tra & bảo dưỡng lọc gió điều hoà: Nên kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hoà sau mỗi 5.000 – 10.000 km và thay thế sau mỗi 20.000 – 30.000 vận hành.
  • Kiểm tra quạt dàn lạnh: Sau thời gian dài sử dụng, quạt gió dàn lạnh sẽ bám bẩn. Nên kiểm tra và bảo dưỡng quạt dàn lạnh sau mỗi 20.000 km vận hành.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng dàn lạnh: Nên làm điều này sau mỗi 20.000 km. Việc kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng dàn lạnh hiện nay không nhất thiết kế phải tháo mở phức tạp như trước mà có thể sử dụng phương pháp nội soi rất tiện lợi và đơn giản.
  • Kiểm tra dầu: Dầu nên được kiểm tra sau mỗi 40.000 – 50.000 km vận hành, thay thế sau 100.000 km vận hành.
  • Kiểm tra gas lạnh: Gas điều hoà nên được kiểm tra sau mỗi 30.000 – 40.000 km vận hành, thay thế sau 100.000 km vận hành.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng hệ thống đường ống dẫn: Hệ thống đường ống dẫn nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau 30.000 – 40.000 km vận hành.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng dàn nóng: Dàn nóng nên được kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh sau mỗi 20.000 km vận hành.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng lốc điều hoà: Lốc điều hoà (máy nén) nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng rơ le nhiệt: Rơ le nhiệt nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km vận hành.
  • Kiểm tra & bảo dưỡng dây curoa: Dây curoa nên được kiểm tra, bảo dưỡng sau mỗi 20.000 km, thay thế sau mỗi 50.000 km vận hành.

Bảo dưỡng điều hòa ô tô và những điều tối thiểu bạn cần biết

Có thể tự vệ sinh điều hòa tại nhà được không?

Việc vệ sinh điều hoà tại nhà hoàn toàn có thể thực hiện và sẽ giúp điều hoà hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế được các lỗi trục trặc, hư hỏng kịp thời.

Bạn có thể vệ sinh những chi tiết sau tại nhà:

  • Lọc gió điều hoà
  • Quạt gió điều hoà
  • Cửa gió điều hoà

Giá bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa ô tô 2022

Chi phí bảo dưỡng điều hoà ô tô một lần có thể dao động từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Mực giá tùy thuộc vào dòng xe và tình trạng hoạt động của điều hòa tại thời điểm bảo dưỡng.

Giá vệ sinh điều hòa chỉ từ 400.000 – 600.000 đồng/lần. 

Cách sử dụng điều hòa ô tô đạt hiệu quả cao mà vẫn tiết kiệm

  • Bật điều hoà sau khi nổ máy xe: Tránh làm hao điện ắc quy, cũng như để cabin có thời gian hạ nhiệt, thông thoáng hơn sau thời gian xe bị đóng kín cửa.
  • Tắt điều hoà trước khi tắt động cơ: Tránh hao điện ắc quy, tiết kiệm nhiên liệu, dàn lạnh bị tụ ẩm do nhiệt độ tăng cao khi tắt máy.
  • Chọn chế độ lấy gió phù hợp cho điều hoà: Khi xe vừa nổ máy, chạy ở khu vực không khí trong lành, hành trình dài, bạn nên chọn lấy gió ngoài. Nếu xe chạy ở khu vực nhiều khói bụi, trời mưa thì nên chọn lấy gió trong.
  • Kết hợp điều hoà với quạt gió: Giảm tải cho điều hoà.
  • Không nên tắt máy lạnh hạ kính khi chạy cao tốc: Điều này sẽ khiến xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với khi sử dụng máy lạnh.
  • Nên tắt điều hoà khi bắt buộc phải đi qua vùng ngập nước: Giảm thiểu các rủi ro gây hại cho hệ thống điều hoà xe.
  • Bảo dưỡng điều hòa ô tô định kỳ: Giúp điều hòa được kiểm tra và khắc phục kịp thời những vấn đề đang tồn đọng, từ đó có thể phát huy tối ưu hiệu suất hoạt động.

Bảo dưỡng điều hòa là hoạt động không thể thiếu trong quá trình sử dụng ô tô, giúp bộ phận luôn vận hành trơn tru, phục vụ tốt nhu cầu được đặt ra. Hãy tìm hiểu những kiến thức cơ bản và luôn chủ động trong việc bảo dưỡng chiếc xe thân yêu của mình nhé!

Trả lời