Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Vô lăng ô tô là bộ phận quan trọng giúp người điều khiển điều hướng việc di chuyển của xe. Vô lăng gắn liền với người lái trong suốt cuộc hành trình. Tuy nhiên liệu tất cả các tài xế đã hiểu hết về vô lăng ô tô và cách khắc phục khi bộ phận này gặp lỗi chưa? 

Tổng quan về vô lăng ô tô

Vô lăng ô tô là gì?

Vô lăng ô tô là bộ phận mà người lái thường dùng để trực tiếp điều khiển xe. Hoặc có thể hiểu, đây là phương tiện trung gian giúp truyền thông tin từ người lái tới hệ thống lái để chuyển hướng bánh xe đi đúng ý.

Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Để phù hợp với chiều giao thông đường bộ của Việt Nam, vô lăng được sử dụng ở đất nước phải được đặt bên trái. Điều này giúp cho tài xế dễ dàng quan sát hơn. Ngược lại, những nước có chiều thuận bên trái thì vô lăng sẽ đặt bên phải.

Trên vô lăng thường tích hợp các nút điều khiển, xe càng hiện đại càng có nhiều chức năng hơn. Có thể thao tác để: nghe điện thoại, tăng giảm âm lượng, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa…

Cấu tạo của vô lăng ô tô

Chất liệu phổ biến của vô lăng chủ yếu là kim loại được nung ở nhiệt độ cao sau đó đúc khuôn thành hình tròn. Bằng việc sử dụng kim loại, vô lăng sẽ được bảo đảm độ an toàn, chắc chắn và bền bỉ.

Là một bộ phận thuộc vào hệ thống điều khiển xe, vô lăng ô tô được gắn kết với cổ lái qua các chấu. Các chấu này có tác dụng kết nối vô lăng khớp với trục lái để tài xế có thể điều khiển xe rẽ trái, rẽ phải… theo đúng hướng mình mong muốn một cách dễ dàng.

Phụ thuộc vào mỗi dòng ô tô sẽ có các số chấu khác nhau. Có xe được thiết kế từ 2, 3 đến 4 chấu. Các thiết kế trước đây, chấu vô lăng được tạo thành hình ngôi sao 3 cánh, hình chữ thập. Tuy nhiên, để đáp ứng với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu của các thông số vận hành, các chấu được thay đổi thiết kế nằm ngang hoặc hình chữ T.

Ngoài ra, vô lăng hiện nay còn được cấu tạo tích hợp với nhiều tính năng tiện ích như còi xe, tổ hợp phím điều khiển. Với cấu tạo như vậy, thiết kế các chấu chữ T là phù hợp để có thêm diện tích đặt các phím bấm gần nhau. Nhờ cách thiết kế này, tài xế có thể dễ dàng thao tác ngay cả khi đang lái xe.

Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Hệ thống điều khiển tích hợp nút bấm được đặt ngay trên vô lăng ô tô. Mỗi dòng xe sẽ có hệ thống điều khiển khác nhau, tuy nhiên hầu hết các xe đều có chung các nút điều khiển phổ biến sau:

  • Nút cộng (+), trừ (-) dùng để điều chỉnh độ to, nhỏ âm thanh loa trên ô tô.
  • Nút chuyển bài, chuyển kênh trên màn hình LCD.
  • Nút nhận cuộc gọi và gọi thoại.
  • Nút TEMP giúp điều chỉnh điều hòa.
  • Nút DISP để chuyển đổi nội dung trên Taplo.
  • Nút điều khiển bằng giọng nói.

Không chỉ có vậy, vô lăng còn được trang bị cấu tạo thêm túi khí. Điều này giúp bảo đảm sự an toàn cho người điều khiển xe trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra như tai nạn, va đập…

Kỹ thuật cầm và đánh vô lăng ô tô đúng cách

Kỹ thuật cầm vô lăng 

Cầm vô lăng tưởng chừng là điều rất dễ dàng tuy nhiên không phải ai cũng biết cách cầm vô lăng sao cho đúng. Cầm vô lăng không đúng kỹ thuật không chỉ khiến người lái xe thụ động trong việc xử lý các tình huống mà còn dễ gặp phải những thương tích không mong muốn khi túi khí bung ra.

Cách cầm vô lăng chuẩn là cầm theo hướng 9 giờ 15 phút hay còn được gọi là cầm theo cách 9 giờ 3 giờ. Cụ thể, coi vô lăng như một mặt đồng hồ thì tay phải chúng ta sẽ đặt ở vị trí số 3, còn tay trái đặt ở vị trí số 9. Chú ý, 2 ngón tay cái cần bẻ ra tỳ lên vành vô lăng, các ngón còn lại nắm hờ nhẹ ở bên dưới. 

Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Với kỹ thuật này, tay cầm vô lăng của tài xế sẽ ở mức vừa đủ, không quá lỏng cũng không quá chặt. Người cầm lái có thể dễ dàng xoay vô lăng một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, khi gặp phải những tình huống khẩn cấp, chủ xe có thể phản ứng kịp thời, tránh những nguy hiểm xảy ra. 

Kỹ thuật đánh vô lăng đúng cách 

Đánh vô lăng đúng kỹ thuật là điều rất quan trọng bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến sự an toàn, tốc độ xử lý chính xác của tài xế lái xe. Có 2 cách điều khiển vô lăng phổ biến là đánh lái chéo tay và đánh lái kéo đẩy.

Đánh lái chéo tay

Kỹ thuật đánh lái chéo tay thường được sử dụng khi ô tô chuyển động với tốc độ chậm. Cách đánh lái này sẽ giúp tài xế đánh lái nhanh và chủ động hơn. Tuy nhiên kỹ thuật chéo tay chỉ phù hợp với những xe thể thao có vô lăng nặng như BMW, Toyota Fortuner… 

Tuy nhiên, nhược điểm của cách đánh lái này là gây nguy hiểm khi túi khí bung ra. Trường hợp khẩn cấp, xảy ra va chạm hoặc cần cua gấp, tay người cầm lái sẽ rất dễ bị thương nếu túi khí bung. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên sử dụng kỹ thuật đánh lái này khi tốc độ di chuyển xa thấp. 

 

Hướng dẫn cách điều khiển vô lăng chéo tay (giả sử tình huống đánh lái xe rẽ về bên trái):

  • Cầm vô lăng đúng theo vị trí 9 giờ 15 phút hay còn được gọi là 9 giờ – 3 giờ.
  • Kết hợp tay phải và tay trái cùng đẩy vô lăng vòng về bên trái.
  • Đến khi tay trái xuống đến vị trí 8 giờ thì bỏ tay trái ra rồi bắt chéo lên vị trí 12 giờ hoặc 1 giờ. 
  • Tiếp tục lặp lại tuần tự thao tác kéo và bắt chéo tay như trên.

Nếu tự tin làm chủ được tay lái, người cầm lái có thể linh hoạt chọn vị trí 2 tay nắm theo ý muốn. Tuy nhiên, bởi kỹ thuật chéo tay đòi hỏi độ chính xác cao, thao tác phải thật chuẩn và linh hoạt, vậy nên khi đánh lái, người lái xe tuyệt đối không được để tay lái quay tự do.

Đánh lái kéo đẩy

Đánh lái kéo đẩy là kỹ thuật khó và nâng cao hơn kỹ thuật đánh lái chéo tay. Cách đánh lái này được các chuyên gia khuyên nên sử dụng trong các trường hợp rẽ ở tốc độ cao. Hướng dẫn cách đánh lái xe ô tô kéo đẩy (giả sử tình huống đánh lái xe về bên tay trái):

  • Đặt cả tay trái và tay phải ở vị trí 12 giờ 
  • Tay trái kéo vô lăng sang bên trái xuống vị trí 6 giờ, tay phải nắm hờ vô lăng
  • Tay phải lại đưa vô lăng theo hướng bên phải từ vị trí 6 giờ lên vị trí 12 giờ
  • Tiếp tục thao tác kéo xuống đẩy lên liên tục như trên

Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Ưu điểm của kỹ thuật này là đánh lái mượt, linh hoạt, chính xác. Bên cạnh đó, trong các tình huống bất ngờ yêu cầu phải xử lý nhanh, hoặc trường hợp túi khi bị bung ra cũng không làm cho người lái bị thương nhờ có khoảng trống an toàn. 

Các lỗi thường gặp về vô lăng ô tô và cách xử lý

Các lỗi hư hỏng vô lăng đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều khiển xe và gây mất an toàn cho người lái. Vô lăng bị lỗi thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể cảm nhận khá rõ khi lái xe. Một số lỗi thường gặp về vô lăng ô tô: 

  • Vô lăng bị nặng và kêu: Nguyên nhân của vấn đề này thường là do dầu trợ lực bị bẩn hoặc bơm trợ lực bị hỏng. Tài xế nên kiểm tra dầu trợ lực và bơm trợ lực xem có gặp vấn đề không. Vô lăng bị nặng cũng có thể do lốp xe bị mòn và non hơi. Để khắc phục, nên đảo lốp xe định kỳ hoặc thay lốp mới khi nhận thấy lốp đã mòn.
  • Vô lăng bị lệch: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vô lăng bị lệch như xe xảy ra va chạm, lốp bị mòn, thước lái gặp trục trặc… Để khắc phục, tài xế có thể tháo vô lăng ra bằng tua vít sau đó lắp vô lăng trở lại trục như ban đầu. Lưu ý trước khi tháo cần cố định hướng bánh xe thẳng. Lúc tháo túi khí phải thật cẩn thận để không rút dây túi khí.
  • Xe bị khóa vô lăng: Vô lăng bị khóa thường bắt nguồn từ việc tài xế cố tình xoay bộ phận thuộc hệ thống lái này khi đã tắt máy. Nếu xe đã tắt mà vô lăng vẫn hoạt động thì sẽ tự khóa cứng vô lăng. Cách mở khóa vô lăng rất đơn giản, khởi động lại xe thì vô lăng sẽ tự động mở khóa. Hoặc nếu không mở được bằng chìa khóa thì có thể thay ổ khóa mới.
  • Xe báo lỗi vô lăng: Đèn báo có dấu chấm than hình vô lăng màu vàng xuất hiện là khi vô lăng gặp trục trặc. Nguyên nhân đèn báo này xuất hiện phổ biến nhất là do trợ lực lái gặp bất thường hoặc hư hỏng. Người lái xe cũng có thể cảm nhận được vô lăng xe bị nặng. Khi gặp trường hợp này, cần kiểm tra lại trợ lực lái xe xem có gặp vấn đề gì để khắc phục.

Hướng dẫn cách bảo dưỡng vô lăng ô tô

Để đảm bảo vô lăng ô tô luôn dễ dàng thao tác, thuận tiện trong quá trình lái xe, cần tuân thủ quy trình bảo dưỡng đúng cách. Trước tiên, người lái xe nên chú ý và làm theo đúng lịch bảo dưỡng xe của nhà sản xuất. 

Theo quy định, hệ thống lái xe cần được bảo dưỡng định kỳ là từ 20.000 – 40.000 km. Bảo dưỡng đúng hạn sẽ giúp hệ thống lái xe kéo dài tuổi thọ hơn và đảm bảo sự an toàn cho những người trên xe. 

Bên cạnh đó, cần tham khảo và lựa chọn bảo dưỡng ở các garage ô tô uy tín. Chọn   nơi bảo dưỡng xe ô tô có những nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm sẽ kiểm tra và sửa chữa hệ thống lái xe một cách tốt nhất, hạn chế xảy ra lỗi sau khi được bảo dưỡng.

Tìm hiểu về vô lăng ô tô và các lỗi thường gặp khi sử dụng

Ngoài ra, để bảo vệ vô lăng khỏi các tác nhân gây trầy xước, mài mòn cũng như kéo dài tuổi thọ vô lăng, chủ xe nên lựa chọn bọc vô lăng. Việc bọc vô lăng không chỉ tăng thêm sự sang trọng, nâng tầm thẩm mỹ cho xe mà còn tăng độ bám, giúp việc cầm nắm khi lái xe vừa vặn và thoải mái hơn. 

Trên đây là những chia sẻ về vô lăng ô tô. Hy vọng các kiến thức bài viết cung cấp sẽ giúp các chủ xe có thể điều khiển vô lăng đúng cách và chăm sóc vô lăng của “xế yêu” một cách tốt nhất. 

Trả lời